Vua nhà Tân Vương_Mãng

Vương Mãng mang hoài bão phục cổ, tái tạo nền văn minh cổ xưa, xây dựng một thế giới lý tưởng[14]. Ông đã thực hiện hàng loạt cải cách ảnh hưởng toàn diện đến xã hội Trung Quốc khi đó. Vương Mãng thành tâm muốn phục cổ, vì ông xem xã hội cổ đại mà sách kinh điển của Nho gia đã miêu tả, là mục tiêu có thể thực hiện được[15].

Cải cách kinh tế

Nội dung cải cách

Năm 9, Vương Mãng ban hành cải cách. Các chính sách chủ đạo của Vương Mãng là[16][17]:

  1. Chế độ "vương điền": Đất đai thuộc sở hữu của triều đình, tư nhân không được phép mua bán. Phân phối lại ruộng đất, không có tá điền, trên nguyên tắc mỗi cặp vợ chồng được chia 100 mẫu.[18]
  2. Chấm dứt chế độ mua bán nô tỳ. Thực hiện lao động bắt buộc: người vô công rỗi nghề mỗi năm phải nộp 1 tấm vải, nếu không đóng được thì bị phạt phải đi lao động khổ sai.
  3. Thực thi chế độ chuyên doanh: chính quyền trung ương chuyên doanh rượu, muối và đồ sắt; tiền tệ do triều đình phát hành thống nhất là "Bố tiền" có hình lưỡi cuốc. Thiết lập chế độ vay lãi: những khoản vay dùng vào việc tang lễ, cúng bái thì không phải trả lãi.
  4. Thực hiện chính sách kinh tế có kế hoạch, giá cả do triều đình khống chế nhằm ngăn chặn con buôn thao túng thị trường, loại trừ hiện tượng có người giàu người nghèo. Ông xuống chiếu thi hành "Ngũ quân lục quản", tại những thành lớn như Trường An, Lạc Dương, Hàm Đan, Lâm Tri, Uyển thành, Thành Đô… có một tổ chức gọi là Ngũ quân ty thị sư để quản lý thị trường. Vào giữa mỗi quý sẽ có quan Ty thị vật giá đi bình xét ở địa phương, gọi là "thị bình". Nếu vật giá cao hơn "thị bình" quan Ty thị sẽ bán ra theo giá thị bình; nếu vật giá thấp hơn thị bình thì dân chúng được phép mua bán tự do. Những mặt hàng nhu yếu phẩm như ngũ cốc, vải vóc nếu bị ế ẩm thì Ty thị sẽ mua theo giá vốn.
  5. Thuế thu nhập thu theo công thức "thập nhất" (1/10) đối với người tự do kiếm sống như kinh doanh công thương, kiếm bắt hái lượm trong rừng, săn bắt cá, bói toán, chữa bệnh, chăn tằm… Ai cố ý giấu giếm không khai báo sản phẩm kiếm được sẽ bị phạt làm lao động khổ sai 1 năm. Đối với ruộng đất chưa khai phá, chưa có sản phẩm thì cứ 3 người phải đóng thuế 1 người.

Mặt trái

Mặc dù có những ý tưởng lớn lao nhưng cuộc cải cách của Vương Mãng gặp phải những trở ngại rất lớn khiến nó không thể đi đến thành công. Các cải cách của ông nhằm đạt đến mục tiêu hoàn mỹ và ông không ngần ngại động chạm đến tất cả mọi người, điều đó bị đánh giá là rất cực đoan mà Vương Mãng mắc phải[19].

  1. Vấn đề ruộng đất: chính sách này động chạm đến gần như cả xã hội: nó không chỉ đụng chạm rất nhiều đến lợi ích của người có nhiều ruộng đất trong xã hội phong kiến (tầng lớp địa chủ) khiến họ tìm cách che giấu, phân tán và chống đối; với người nông dân, những hứa hẹn ban đầu về ruộng đất có thể khiến họ phấn chấn nhưng sau đó hiệu quả thực thi không có khiến họ trở nên phẫn nộ[20].
  2. Vấn đề nô tỳ: Vương Mãng đơn giản coi họ là tư thuộc, ngăn cản việc mua bán, đảm bảo cho nông thôn có sức lao động để triều đình không bị thất thu. Nhưng Vương Mãng lại không hề đề ra biện pháp nào để ngăn chặn việc những người nông dân bị bần cùng hoá cũng sẽ phải trở thành nô tỳ. Chính vì vậy những người nô tỳ khá dửng dưng với quy định này của triều đình vì nó vô thưởng vô phạt với họ. Một mặt, Vương Mãng ra quy định cấm mang vợ con người khác bán làm nô tỳ, mặt khác ông lại dựa vào điển tích cổ mà quy định rằng: ai phạm lệnh cấm sẽ bị sung làm nô tỳ. Các chủ nô thì bị động chạm lợi ích nên tìm cách chống đối, mặt khác họ cũng có nguy cơ bị trở thành nô tỳ nếu phạm lệnh cấm, do đó số người phản đối ngày một nhiều[21].
  3. Vấn đề tiền tệ: Cải cách về tiền tệ gây nhiều hỗn loạn nhất trong xã hội Trung Quốc khi đó[22]. Ngay năm 7 trước khi giành ngôi nhà Hán, Vương Mãng đã hạ lệnh cải cách tiền tệ. Sau khi lên ngôi, ông lại tiến hành cải cách tiền tệ nhiều lần nữa và lần nào cũng phức tạp, gây phiền hà cho đời sống. Tiền mới nhẹ hơn tiền cũ khuyến khích người ta đúc giả. Vương Mãng lại ra lệnh từ liệt hầu trở xuống không được trữ vàng. Điều đó khiến các địa chủ nhỏ, trung bình và thương nhân rất bất mãn. Cực đoan hơn, Vương Mãng còn ra quy định bất kỳ ai ra đường cũng phải mang theo "bố tiền" (tiền mới của triều đình), nếu không thì bị xem là thiếu chứng minh hợp pháp. Khi tiền tệ trở thành một thứ giấy thông hành thì tác dụng lưu thông của nó cũng không còn[23].
  4. Việc quản lý thị trường giá cả: Vương Mãng muốn triều đình khống chế giá cả để làm lợi cho dân, nhưng ông lại bổ nhiệm nhân sự không thoả đáng. Ông cho những thương gia giàu có giữ chức Lục quản như Vương Tôn Đại Khanh, Trương Trường Thúc, Tiết Tử Trọng… Những người này đều lợi dụng chức vụ để thao túng thị trường, câu kết với các thương nhân tuỳ ý định giá để làm giàu.
  5. Vấn đề thuế khoá: Vương Mãng có phần hà khắc với những người lao động nghèo khổ. Bản thân họ không có ruộng đất, phải vào rừng, ra sông mưu sinh từng bữa nhưng cũng phải nộp thuế là một gánh nặng, khiến họ tuyệt đường sinh sống.

Cải cách hành chính

Vương Mãng ra lệnh thay đổi tên gọi các địa phương theo ý thích, bất kể thói quen nhiều đời và điều kiện vật chất ở các nơi đó. Không chỉ như vậy, ông còn ra lệnh điều chỉnh khu vực hành chính và chức năng quyền hạn của các đơn vị hành chính.

Mặc dù mỗi lần thay đổi là tạo ra nhiều rắc rối, nhưng Vương Mãng vẫn tiếp tục thay đổi nhiều lần. Có quận trong vòng 1 năm đổi tên tới 5 lần, cuối cùng lại dùng tên cũ ban đầu[24].

Sự phức tạp của tên gọi hành chính khiến tất thảy quan lại và dân chúng đều chán ghét.

Đối ngoại

Vương Mãng muốn công lao của mình vượt hẳn các bậc tiền nhân, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm phân biệt giữa "Hoa Hạ và Man Di". Đối với các dân tộc thiểu số ngoài biên cương, Vương Mãng đã áp dụng những chính sách rất sai lầm[25]. Vương Mãng xem nhẹ sự hoà bình lâu dài mà các đời vua Hán trước đã thiết lập với ngoại bang, cho rằng mình có quyền năng vô địch để nô dịch các ngoại tộc và đưa ra những yêu cầu vô lý đối với họ.

Với người Khương phía tây, Vương Mãng hạ chức vương của hơn 30 nước, uy hiếp bắt họ phải hiến nộp vùng đất quanh hồ Thanh Hải để lập ra quận Tây Hải, qua đó sẽ kết hợp với các quận trong nước như Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải tạo ra Tứ Hải. Để vùng đất hoang vu thành quận, ông thực hiện cưỡng bức dời dân tới đó. Vì sự thành lập quận Tây Hải, Vương Mãng đã gây ra sự bất mãn của những người phải đến đó. Vua nước Câu Dĩnh bị giáng chức bất mãn liền mang quân đánh nhà Tân, các tộc xung quanh hùa theo, đều phản Tân[24].

Đối với các dân tộc phía đông bắc, Vương Mãng bắt Cao Cấu Ly đánh các tộc khác ở Liêu Tây nhưng bị từ chối, bèn sai Nghiêm Ưu lừa giết vua Cao Cấu Ly, chặt đầu mang về Trường An và đổi "Cao Cấu Ly" thành "Hạ Cấu Ly"[26].

Với người Hung Nô phía bắc vốn chưa từng cướp phá biên giới trong nhiều năm và đã thần phục triều đại mới, Vương Mãng lại ra lệnh đổi ấn vàng nhỏ hơn ấn nhà Hán trao cho họ; buộc họ phải đổi tên gọi Hung Nô thành "Cung Nô", "Hàng Nô"; đổi Thiền Vu thành "Thiện Vu", "Phục Vu". Ông còn chia Hung Nô làm 15 nước nhỏ, phái người mang của cải châu báu đến Tái hạ chiêu tập con cháu của Hô Hàn Gia (các hậu duệ xưa kia của Hung Nô) để đưa lên làm Thiền Vu các bộ. Hung Nô không chịu, từ đó liên tục xâm phạm biên giới giết người cướp của. Thái thú, đô úy hai quận Nhạn Môn, Sóc phương bị giết; riêng gia súc và tài sản bị cướp đi vô số. Năm 19, Vương Mãng phái 12 tướng quân đem 30 vạn quân đi đánh Hung Nô. Tướng Nghiêm Ưu được cử ra mặt trận can không nên gây chiến nhưng Tân Đế không nghe, quyết tâm đánh Hung Nô.

Để thực hiện cuộc chiến tranh đó, Vương Mãng ra lệnh cả nước phải chuẩn bị quân nhu, lương thực trong 300 ngày. Trên đường từ Giang Hoài đến bờ bắc biên phòng, chật ních xe ngựa, dân phu và lương thực. Ông lại hạ lệnh cho 30 vạn quân phải đồng loạt xuất kích trong tình trạng đầy đủ quân nhu và lương thực. Vì vậy, những cánh quân đến trước phải chờ đợi. Trong thời gian chờ đợi, tướng sĩ vùng biên kéo nhau đi cướp bóc khiến nhân dân vùng biên rất căm phẫn. Nhiều nhà phải cho con em đi lính lại bị cướp nên trở nên khánh kiệt, nổi dậy chống lại.

Vương Mãng thấy tình hình lộn xộn bèn phái hàng chục khanh tướng, trung lang tướng và các quan chấp pháp đi ổn định tình hình vùng biên. Nhưng đám quan lại này lại câu kết với các tướng sĩ vùng biên để cướp bóc của dân khiến đời sống nhân dân càng thêm khổ cực[27].

Không chỉ huy động trai tráng, Vương Mãng còn huy động những dị dân có pháp thuật tham gia chiến sự để "phù phép" cho quân đội chiến thắng, hứa có trọng thưởng. Vì vậy có hơn 1 vạn "cao thủ" đến xin ra quân. Dù sau đó ông biết những người đến đầu quân đều không có bản lĩnh gì đặc biệt nhưng để khích lệ nên vẫn cấp cho xe ngựa quần áo[28].

Việc gây chiến với các tộc ngoại bang đã đẩy mâu thuẫn giữa triều đình nhà Tân với các tầng lớp trong nước, nhất là nhân dân lao động nghèo khổ lên tới đỉnh điểm.